Nhiều kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 2024 sẽ có nhiều điểm sáng. Ảnh Duy Dũng.

Năm 2023 – một năm nhiều cung bậc

Cùng chung xu hướng của thị trường thế giới, năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng trải qua một năm với nhiều cung bậc cảm xúc. Biến động là từ được dùng phổ biến nhất khi đánh giá về TTCK trong nước năm qua.

Nhìn lại TTCK năm qua cho thấy, sau diễn biến bình lặng trong quý I/2023, TTCK bắt đầu sôi động từ tháng 4, khi Chính phủ bắt đầu chỉ đạo mạnh mẽ và tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Cùng với sự dịch chuyển của chính sách tài khóa theo hướng mở rộng, chính sách tiền tệ cũng chuyển dần từ thắt chặt sang nới lỏng, linh hoạt hơn đã kích thích dòng tiền tham gia mạnh hơn vào TTCK.

Kỳ vọng nâng hạng sẽ hút mạnh vốn ngoại

Với khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2 – 3 năm tới, sẽ có những dòng vốn ngoại đón đầu sự kiện nâng hạng này. Nhìn vào các quốc gia đã từng được nâng hạng TTCK, thông thường dòng vốn cả trong và ngoài nước sẽ đổ vào thị trường mạnh mẽ trong vòng 1 – 2 năm trước thời điểm được nâng hạng chính thức.

Cùng với đó là hàng loạt các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương được triển khai nhằm tháo gỡ các nút thắt về thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) riêng lẻ và bất động sản cũng đã được kích hoạt, tạo tâm lý kỳ vọng tích cực cho nhà đầu tư (NĐT). Những yếu tố đó, được cho là động lực giúp TTCK khởi sắc trở lại và chỉ số VN-Index đã có mạch tăng ấn tượng 250 điểm từ cuối tháng 3 đến đỉnh 1.250 điểm vào giữa tháng 9/2023.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ tháng 9 đến hết tháng 10/2023, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi thông điệp có thể tiếp tục tăng và neo lãi suất đồng USD ở mức cao, khiến chỉ số DXY tăng kỷ lục và có thời điểm vượt 107 điểm. Cùng với đó, ở trong nước, tình hình tỷ giá cũng tăng cao trước diễn biến tăng giá của đồng USD, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục sử dụng công cụ tín phiếu ngân hàng để hút tiền VND nhằm hạ nhiệt tỷ giá. Vì vậy, đồng pha với nhiều thị trường châu Á, TTCK đã giảm mạnh. Trong giai đoạn cuối tháng 9 và tháng 10, chỉ số VN-Index gần như mất hết thành quả tăng điểm trước đó.

Từ đầu tháng 11 đến hết năm 2023, TTCK Việt Nam dần phục hồi khi ngày càng có nhiều tín hiệu cho thấy lãi suất của FED đã tạo đỉnh. Ở trong nước, lượng tiền VND hút ròng của tín phiếu cũng đã được bơm trả lại thị trường. Các giải pháp gỡ khó cho kinh tế vĩ mô tiếp tục được đẩy mạnh, điển hình là thúc đẩy đầu tư công, lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, trái phiếu DN riêng lẻ… Mặc dù sự hồi phục có chậm nhịp hơn so với một số thị trường trên thế giới, song TTCK Việt Nam đã khởi sắc dần về cuối năm.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, tại ngày 29/12/2023, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm, tăng +12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, TTCK Việt Nam có hiệu quả đầu tư tốt hơn các thị trường trong khu vực như: Thái Lan (-16,6%), Trung Quốc (-4,8%), Singapore (-4,2%), Philippine (-1,3%)…

Cơ hội sẽ tốt hơn trong năm 2024?

TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực hơn. Theo đó, mặc dù các yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, khó lường, song kinh tế vĩ mô trong nước có thể sẽ duy trì đà hồi phục tăng trưởng.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm 2024, tình hình sẽ khả quan hơn khi khả năng cao là FED có thể giữ nguyên lãi suất trước bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều này sẽ giúp bức tranh tín dụng khả quan hơn. Bên cạnh đó, TTCK cũng được hưởng kết quả của chính sách tài chính, tiền tệ trong đó có vấn đề giảm lãi suất, chính sách của Chính phủ liên quan đến đầu tư công kết quả sẽ thấy rõ hơn năm 2024, điều này tạo thuận lợi cho các DN phát hành.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Chứng khoán Yuanta, cũng cho rằng bức tranh kinh tế vĩ mô 2024 Việt Nam và thế giới có nhiều điểm sáng, khi lạm phát không còn là vấn đề đáng ngại, lãi suất sẽ bắt đầu chu kỳ giảm từ năm 2024.

Ngoài ra, chỉ số P/E của cổ phiếu vẫn hấp dẫn so với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Nếu năm 2023, mức tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm đã cao kỷ lục, thì sẽ bước vào chu kỳ giảm xuống, chỉ còn 2,5%. Điều này sẽ rất tích cực cho TTCK năm 2024.

Còn ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng động lực cho thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu dựa trên yếu tố hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của DN niêm yết. Trong kịch bản tích cực, có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi.

BÀ NGUYỄN HOÀI THU – TỔNG GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN CỦA VINACAPITAL: Dòng tiền ngoại khả năng sẽ trở lại Việt Nam năm 2024

Các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài vẫn luôn đặt niềm tin vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam vẫn luôn thuộc nhóm các nước có nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các NĐT nước ngoài đánh giá cao sự ổn định về kinh tế – chính trị – xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam và khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2 – 3 năm tới.

Nhìn sang năm 2024, với việc triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn và nhiều khả năng FED đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, sẽ bắt đầu những lần giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024, đồng USD đang trong xu hướng yếu đi, nhiều khả năng dòng tiền nước ngoài sẽ trở lại các TTCK mới nổi và cả Việt Nam.

ÔNG LÊ ĐỨC KHÁNH – GIÁM ĐỐC PHÂN TÍCH, CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN VPS: Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào xu hướng tích cực hơn trong năm mới

Hiện nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tốt hơn trong năm tới, trong khi vẫn giữ quan điểm thận trọng với khu vực Eurozone.

Đối với các yếu tố quốc tế, dự báo trong thời gian tới các yếu tố như lạm phát tại Mỹ sẽ hạ nhiệt, FED có thể đưa ra lộ trình giảm lãi suất trong năm 2024, chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương năm 2024 sẽ là điểm tích cực hỗ trợ cho TTCK.

Ngoài ra, các yếu tố trong nước như tỷ giá được kiểm soát, quá trình nâng hạng của TTCK Việt Nam được đẩy nhanh tiến độ, các dự án FDI, các dự án giao thông quốc gia được thúc đẩy, hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh khi nhu cầu thế giới gia tăng, là những tín hiệu lạc quan mà nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào xu hướng tích cực của thị trường trong năm mới 2024.